Để có thể phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm, đặc biệt là để đặc sản các vùng miền Việt Nam giữ vững thị trường trong nước, tiến tới mở rộng, chiếm lĩnh thị trường quốc tế trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do, vẫn còn không ít vấn đề cần được giải quyết.

Xu hướng chung của thị trường hiện nay đòi hỏi sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được các cơ quan chức năng Nhà nước bảo hộ, do đó, để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho các sản phẩm, việc tăng cường phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm là hết sức quan trọng, cần thiết.

Trong quá trình xấy dựng thương hiệu cho sản phẩm, hàng hóa, chỉ dẫn địa lý (CDĐL) là một trong những chứng nhận quan trọng đầu tiên sản phẩm cần có. Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, tính đến ngày 31/5/2017, Việt Nam đã bảo hộ 49 chỉ dẫn địa lý (CDĐL) quốc gia và 6 CDĐL của nước ngoài. Hơn 10 năm qua, số CDĐL quốc gia được bảo hộ đã tăng 3,5 lần, giúp sản phẩm Việt nâng cao sức cạnh tranh, nhiều đặc sản của các địa phương đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận bảo hộ CDĐL như cam Cao Phong, sâm Ngọc Linh, nhãn Hưng Yên….

Đơn cử, nước mắm Phú Quốc là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam và các nước ASEAN được chính thức bảo hộ tên gọi xuất xứ tại tất cả các nước thành viên Liên minh châu Âu (gồm 28 nước thành viên). Với tên gọi xuất xứ “Phú Quốc” được bảo hộ tại EU, chỉ có sản phẩm nước mắm sản xuất, đóng chai tại huyện đảo Phú Quốc và đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể về chất lượng mới được phân phối vào thị trường EU với tên gọi “Phú Quốc”. Điều này đảm bảo người tiêu dùng mua được đúng sản phẩm có chất lượng đặc trưng và chính hiệu, giúp ngăn chặn hàng giả, hàng nhái tại thị trường Liên minh châu Âu.

Theo Bộ Công Thương, kể từ khi được EU chấp nhận bảo hộ CDĐL, không chỉ lượng nước mắm xuất khẩu vào EU tăng đáng kể, mà giá bán của sản phẩm này cũng tăng từ 30-50% tùy từng loại. Bên cạnh đó, không chỉ xuất khẩu vào riêng EU mà nước mắm Phú Quốc còn gia tăng xuất khẩu sang các thị trường khác như Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản, Canada…. Cùng với nước mắm Phú Quốc, khi Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU có hiệu lực vào năm 2018, dự kiến, EU sẽ đồng ý bảo hộ cho 39 CDĐL của Việt Nam với các sản phẩm thế mạnh như cà phê, chè….

Hay như vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), từ chỗ người dân chỉ bán được với giá dưới 10.000 đồng/kg, thì hiện nay đã tiêu thụ rộng khắp với giá bình quân hơn 35.000 đồng/kg. Giống như một “tấm giấy thông hành”, nhờ CDĐL, quả vải đã thâm nhập được vào nhiều thị trường khó tính như: Australia, Pháp, Mỹ, Nhật Bản….

Không chỉ mang lại giá trị cao hơn cho nông sản xuất khẩu, việc được bảo hộ CDĐL còn đem đến những hiệu quả rõ nét cho sản phẩm ngay tại thị trường trong nước. Đơn cử, sau khi được bảo hộ CDĐL “Cao Phong”, giá trị sản phẩm cam Cao Phong (Hòa Bình) đã tăng lên rõ rệt. Nếu như trước đây người trồng chỉ bán tại vườn với giá 6.000 đồng/kg, thì sau khi có bảo hộ CDĐL đã tăng lên 20.000-35.000 đồng/kg. Trong khi nhiều loại nông sản khác thường rơi vào tình trạng “được mùa mất giá”, thì nhiều năm nay, cam Cao Phong luôn trong tình trạng cháy hàng mỗi khi vào mùa.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện Việt Nam có rất nhiều đặc sản có giá trị cao nhưng thường xuyên rơi vào tình trạng được mùa mất giá. Bên cạnh đó, do yêu cầu khắt khe của các thị trường nước ngoài, nhiều sản phẩm tuy có chất lượng tốt nhưng vì chưa được bảo hộ thương hiệu nên gặp phải nhiều khó khăn khi thâm nhập thị trường các nước, giá tiêu thụ thấp khiến người sản xuất phải chịu thiệt.… Đây là một sự lãng phí rất lớn.

Việc bảo hộ CDĐL sẽ tạo niềm tin đối với người tiêu dùng về những sản phẩm đặc biệt được sản xuất theo quy trình chặt chẽ, từ đó họ sẽ mua nhiều và khuyến khích được sản xuất. Đó là bước đầu tiên giúp xây dựng thương hiệu cho các đặc sản địa phương, nâng cao giá trị sản phẩm và giúp các đặc sản có thể “bay xa” ra các thị trường ngoài nước.

Dù CDĐL đã và đang mang lại những giá trị lớn, nhưng nếu so sánh con số gần 50 CDĐL được cấp với khoảng hơn 900 sản phẩm đặc sản gắn với 700 địa danh khác nhau trên toàn quốc thì có thể dễ dàng thấy được sự chênh lệch quá lớn. Con số CDĐL được bảo hộ tại nước ngoài còn ít hơn. Bên cạnh đó, chưa có các dấu hiệu nhận diện CDĐL làm cơ sở để người tiêu dùng nhận biết trên thị trường.

Do đó, theo các chuyên gia, cần hỗ trợ, thúc đẩy xây dựng CDĐL trên thị trường thông qua việc nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm để nhiều sản phẩm được cấp CDĐL. Đồng thời, xây dựng các dấu hiệu nhận diện chung đối với CDĐL (logo quốc gia); giới thiệu nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về CDĐL; thúc đẩy hình thành các kênh phân phối đối với sản phẩm mang CDĐL; thúc đẩy kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm.

Bên cạnh chế tài của Nhà nước, các nhà sản xuất kinh doanh theo CDĐL phải có ý thức liên kết, cùng bảo vệ danh tiếng của sản phẩm. Doanh nghiệp cần tăng cường áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đồng thời đưa thông tin rộng rãi tới người tiêu dùng. Đặc biệt, cần kiểm soát chất lượng sản phẩm mang CDĐL.

Vừa qua, Bộ KHCN đã ký các biên bản hợp tác với các nước như: Nhật Bản, Thái Lan… nhằm nâng cao năng lực quản lý và hiệu quả của các CDĐL, đẩy mạnh công tác bảo hộ CDĐL cho các sản phẩm đặc sản, đồng thời tăng cường đưa các sản phẩm có CDĐL vào thị trường các nước. Qua đó kỳ vọng nâng cao hơn nữa giá trị hàng hóa, đặc biệt là nông sản Việt./.

(Nguồn: www.thuongmai.vn; Báo Công Thương)

QUYÊN TTXTTM

Nguyễn Phúc Duy
Thông tin liên quan:
Depo 25 bonus 25
Depo 25 Bonus 25