Theo số liệu thống kê từ Tổng cục hải quan, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản sang thị trường Đức trong 5 tháng đầu năm 2017 đạt 414 triệu USD, tăng 7,0% so với cùng kỳ năm trước. Tính riêng, tháng 5/2017 xuất khẩu sang thị trường này đạt 76,8 triệu USD, giảm 8,8% so với tháng 4/2017 và giảm 8,9% so với tháng 5/2016.

Đức hiện là nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới và lớn nhất trong Khu vực Châu Âu. Đức luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu trong nhiều năm qua. Đức cũng là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hoá Việt Nam sang các thị trường khác trong khu vực. Trong quý I, kinh tế nước này tăng trưởng 0,6% nhờ sự hỗ trợ từ xuất khẩu, đầu tư máy móc, xây dựng cũng như chi tiêu hộ gia đình tăng. Người tiêu dùng Đức đang được hưởng lợi từ việc làm cao kỷ lục, thu nhập thực tế tăng và lãi sất cho vay thấp. Tăng trưởng kinh tế Đức năm 2017 được dự báo lên 1,5% từ mức 1,4% đưa ra hồi tháng 1/2017 sau một loạt tín hiệu tích cực, nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh nhờ tỷ lệ thất nghiệp thấp. Tỷ lệ thất nghiệp của Đức trong tháng 5/2017 giảm 9.000 người xuống 2,536 triệu người, đưa tỷ lệ thất nghiệp của Đức giảm xuống mức thấp kỷ lục (5,7%), cho thấy nền kinh tế đang có dấu hiệu tăng trưởng tốt.

   Kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam tới Đức năm 2016-2017

Xu hướng tăng trưởng khả quan của kinh tế Đức trong năm 2017 sẽ tạo thuận lợi cho các mặt hàng xuất khẩu tới Đức, trong đó có mặt hàng cà phê, thủy sản... của Việt Nam gia tăng.

Mặt hàng cà phê:

Trong 5 tháng đầu năm 2017, các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sang Đức gồm 7 mặt hàng chính là: cà phê, hàng thủy sản, cao su, hạt tiêu, hạt điều, hàng rau quả, chè.

Trong đó, cà phê hiện là mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang thị trường Đức, chiếm 65,1% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước sang thị trường này, đạt 269,5 triệu USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính riêng, tháng 5/2017 xuất khẩu mặt hàng này đạt 44,6 triệu USD, giảm 12,8% so với tháng 4/2017 và giảm 7,9% so với tháng 5/2016.

Trong 4 tháng năm 2017, Đức nhập khẩu 3 mặt hàng cà phê của Việt Nam gồm: cà phê Robusta, Arabica, cà phê hòa tan. Trong đó, cà phê Robusta chiếm đến 95,4% tổng khối lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Đức trong 4 tháng năm 2017, với 97,6 nghìn tấn, trị giá 206,8 triệu USD, giảm nhẹ 0,2% về lượng và 39,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, lượng cà phê Arabica xuất khẩu sang thị trường này giảm mạnh 62%, đáng chú ý, xuất khẩu cà phê hòa tan tăng tới 99,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá xuất khẩu trung bình cà phê sang Đức trong 4 tháng năm nay tăng 34,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá xuất khẩu cà phê Robusta tăng 39,8% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 2.119 USD/tấn; giá cà phê Arabica tăng 22,8%, đạt 2.803 USD/tấn.

Dự báo, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường Đức trong thời gian tới sẽ tiếp tục thuận lợi do nhu cầu từ thị trường này cao, điều kiện khí hậu Đức không sản xuất được cà phê và hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu. 

Đức hiện đang là nhà tiêu thụ cà phê đứng thứ 2 thế giới, theo thống kê của Intracent, kim ngạch nhập khẩu cà phê của Đức từ Việt Nam 2 tháng năm 2017 đạt 91,2 triệu USD, tăng 7,0% so với cùng kỳ năm 2016.

Tháng 2/2017 thị phần nhập khẩu cà phê của Đức từ Việt Nam đã tăng lên 11,7% so với mức 10,7% của tháng 1/2017. Trong khi đó, thị phần nhập khẩu cà phê của Đức từ một số nước lớn giảm như: Braxin, Colombia...

Mặt hàng thủy sản:

Xuất khẩu hàng thủy sản sang thị trường Đức trong 5 tháng năm 2017 đạt 62,2 triệu USD, giảm 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính riêng, tháng 5/2017 xuất khẩu mặt hàng này đạt 13,9 triệu USD, tăng 2,1% so với tháng 4/2017 nhưng lại giảm 12,8% so với tháng 5/2016.

Theo số liệu thống kê tính tới tháng 3/2017, Đức là thị trường tiêu thụ tôm lớn thứ 3 của Việt Nam trong khối EU, chiếm 3% tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam đi các thị trường. Xuất khẩu tôm sang Đức trong quý I/2017 đạt 18,4 triệu USD; giảm 22,8% so với cùng kỳ năm 2016.

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Đức chủ yếu là tôm chân trắng với quý I năm nay, tôm chân trắng chiếm 83% tổng xuất khẩu tôm sang thị trường này, tôm sú chiếm 12%, còn lại là tôm biển.

Đối với sản phẩm tôm chân trắng, Đức chủ yếu nhập khẩu tôm chân trắng sống/tươi/đông lạnh từ Việt Nam về để tiêu thụ trong nước và chế biến tái xuất khẩu. Bên cạnh đó, Đức cũng khá ưa chuộng các mặt hàng như tôm hấp và tôm lột vỏ.

Theo số liệu thống kê của ITC, Việt Nam là nhà cung cấp tôm lớn thứ hai sau Hà Lan, chiếm khoảng 16% tổng nhập khẩu tôm của Đức. Hai tháng đầu năm 2017, nhập khẩu tôm vào Đức đạt 87,7 triệu USD; giảm 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về yếu tố cạnh tranh trên thị trường Đức, Việt Nam không phải chịu nhiều áp lực cạnh tranh về giá, thuế nhập khẩu hay đối thủ. Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế GSP đối với tôm đông lạnh dạng thô khi xuất vào EU là 4,2% (cho các loại có mã HS là 030616 hoặc 030617), tôm đã sơ chế chịu thuế suất 7% (cho các loại có mã HS là 160521 và 160529) trong khi các đối thủ khác phải chịu thuế cao hơn.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã kết thúc đàm phán và dự kiến có hiệu lực từ năm 2018. EVFTA hứa hẹn sẽ tạo những ưu đãi đáng kể về thuế suất cho xuất khẩu tôm Việt Nam sang Đức.

Thị trường Đức ngày càng nhập khẩu nhiều các sản phẩm tôm có thương hiệu chứng nhận. Các chuỗi siêu thị lớn ở Tây Âu trong đó có Đức thể hiện rõ nhất xu hướng này. Hiện chứng nhận phổ biến nhất là Global GAP. Các chuỗi siêu thị ở Tây Âu mới đây còn tham vọng rằng tất cả các sản phẩm tôm của họ phải được chứng nhận của Hội đồng Nuôi trồng thủy sản (ASC). Do vậy, ASC dự kiến sẽ ngày càng trở lên quan trọng ở Đức.

Để tăng kim ngạch xuất khẩu thị trường này, doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh việc quảng bá thông qua các hội chợ triển lãm, cũng như giới thiệu những chứng nhận uy tín của doanh nghiệp về chất lượng sản phẩm để tăng sự tin tưởng của người tiêu dùng.

Đức là thị trường nhạy cảm về giá nên sản phẩm tôm chân trắng giá phải chăng của Việt Nam đang được ưa chuộng ở Đức. Nhập khẩu mặt hàng này của Đức có xu hướng tăng, các doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng để đẩy mạnh xuất khẩu thị trường này.

Mặt hàng cao su:

Xuất khẩu hàng cao su sang thị trường Đức trong 5 tháng năm 2017 đạt 24,4 triệu USD, tăng 52,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính riêng, tháng 5/2017 xuất khẩu mặt hàng này đạt 3,38 triệu USD, giảm 18,9% so với tháng 4/2017 nhưng lại tăng tới 174,6% so với tháng 5/2016.

Mặt hàng hạt tiêu:

Xuất khẩu hàng hạt tiêu sang thị trường Đức trong 5 tháng năm 2017 đạt 24,6 triệu USD, giảm 38,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính riêng, tháng 5/2017 xuất khẩu mặt hàng này đạt 4,46 triệu USD, giảm 34,5% so với tháng 4/2017 và giảm 52,3% so với tháng 5/2016.

Các mặt hàng nông sản xuất khẩu sang thị trường Đức 5 tháng năm 2017

Tên hàng

5 tháng 2017 (nghìn USD)

% so 5 tháng năm 2016

Tháng 5/2017 (nghìn USD)

% so tháng 4/2017

% so tháng 5/ 2016

Cà phê

269.491

20,9

44.593

-12,8

-7,9

Hàng thủy sản

62.169

-14,2

13.947

2,1

-12,8

Hạt điều

28.192

-6,8

9.240

27,7

12,9

Hạt tiêu

24.618

-38,4

4.457

-34,5

-52,3

Cao su

24.411

52,2

3.379

-18,9

174,6

Hàng rau quả

4.712

-1,4

991

-15,1

-6,5

Chè

416

-11,8

205

894,7

444,0

10 doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủy sản đạt kim ngạch lớn nhất
sang thị trường Đức 4 tháng năm 2017

Doanh Nghiệp

Trị giá (nghìn USD)

Cty CP Foodtech

4.812

Cty TNHH KD Chế Biến Thủy Sản Và XNK Quốc Việt

3.515

Cty CP thuỷ sản và thương mại Thuận Phước

3.469

Cty TNHH 1TV Chế Biến Thủy Sản Và XNK Ngô Bros

2.590

Cty CP Thực Phẩm Sao Ta

1.865

Cty CP Thủy Sản Sóc Trăng

1.739

Cty TNHH Hùng Cá

1.668

Cty TNHH 1TV Espersen Việt Nam

1.664

Cty CP Thủy Sản Sạch Việt Nam

1.644

Cty CP Hùng Vương

1.476

10 doanh nghiệp xuất khẩu cao su đạt kim ngạch lớn nhất sang thị trường Đức trong 4 tháng năm 2017

Doanh Nghiệp

Trị giá (nghìn USD)

Cty TNHH MTV Cao Su Dầu Tiếng

4.013

Cty TNHH Sản Xuất Và TM Hoa Sen Vàng

3.458

Cty TNHH Sản Xuất Cao Su Liên Anh

2.496

Cty TNHH 1TV Cao Su ĐắK LắK

1.836

Cty TNHH Gia Phú Anh

998

Cty TNHH Cửu Lâm

929

Cty TNHH 1TV Tổng Cty Cao Su Đồng Nai

855

Cty TNHH Cao Su Quốc Việt

781

Cty CP Khang Ngọc Hưng

733

Cty TNHH 1TV Cao Su Phú Riềng

629

10 doanh nghiệp xuất khẩu hàng cà phê đạt kim ngạch lớn sang thị trường Đức
4 tháng năm 2017

Doanh nghiệp

Trị giá (nghìn USD)

Cty CP Tập Đoàn INTIMEX

40.413

Cty CP Intimex Mỹ Phước

18.234

Cty CP XNK Cà Phê Intimex Nha Trang

15.428

Cty TNHH Sunwah Commodities (VN)

13.157

Cty TNHH TM Và chế biến Louis Dreyfus company VN

10.395

Cty TNHH Vĩnh Hiệp

10.222

Cty CP ĐTK

9.186

Cty CP Intimex Bình Dương

8.092

Cty TNHH 1TV XNK 2-9 ĐắK LắK

8.082

Cty TNHH Armajaro VN

7.974

(Số liệu thống kê sơ bộ, chỉ sử dụng để tham khảo)

- Những thuận lợi xuất khẩu hàng nông, thủy sản sang thị trường Đức:

Việt Nam đã ký 10 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các đối tác thương mại, cùng với 2 FTA (Việt Nam- EU, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương- TPP) đã kết thúc đàm phán cho thấy mức độ hội nhập sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam. Một trong những lợi thế lớn cho Việt Nam khi tham gia các FTA này là cam kết giảm thuế sâu đối với hàng hóa.

Tuy nhiên, có một điểm đáng chú ý trong những hiệp định này là hầu hết đều có chương quy định về hàng rào kỹ thuật. Đối với mặt hàng nông sản cũng là một trong những mặt hàng chủ chốt của Việt Nam trên thị trường Đức. Người Đức ưa thích các loại trái cây tươi rời hơn là đóng gói và có xu hướng dùng thực phẩm sản xuất bằng phương pháp hữu cơ, tránh sử dụng các hóa chất tổng hợp. Không chỉ nắm bắt thói quen sử dụng của người Đức, doanh nghiệp Việt Nam cần thực hiện nghiêm chỉnh những quy định về kiểm dịch động thực vật của Đức.

Cụ thể, sản phẩm từ động vật và thực vật để được nhập vào Đức phải qua các giai đoạn kiểm tra và kiểm dịch hết sức nghiêm ngặt. Nếu bị phát hiện không an toàn về vệ sinh thực phẩm sẽ bị tiêu hủy ngay tại cửa khẩu.

Ngoài những quy định về kiểm dịch động thực vật như trong các quy định chung của EU, Đức cũng đặt ra một số các tiêu chuẩn bổ sung. Ví dụ, về dư lượng mycotoxins, ngoài Quy định số 1525/98 của EC, Đức cũng đặt ra một số tiêu chuẩn riêng. Việc kiểm tra, kiểm dịch động thực vật được tiến hành cho 100% lô hàng về hồ sơ và ngoại quan; và 20-50% lô hàng sẽ được lấy mẫu và kiểm tra dư lượng các chất độc hại.

- Thách thức và khó khăn:

+ Mặt hàng thủy sản

Doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang Đức đang gặp khó, trong mấy tháng đầu năm nay, sau khi nhận được thư yêu cầu của cơ quan Hải quan Đức (ZKA) và Cơ quan chống gian lận thuộc Ủy ban châu Âu (OLAF) về việc phối hợp thẩm tra xác minh xuất xứ mặt hàng tôm xuất khẩu của Việt Nam có mã HS 030616, 030617, 160521, Bộ Công Thương đã chủ trì và phối hợp chặt chẽ cùng các bên liên quan (Tổng cục Hải quan, VCCI, VASEP, các DN xuất khẩu tôm...) để tổng hợp đầy đủ thông tin nguồn nguyên liệu đầu vào và thị trường đầu ra của DN xuất khẩu tôm, cũng như xem xét đánh giá tại các công ty được đối tác lựa chọn.

Kết quả kiểm tra của cả 2 đoàn đều khẳng định rõ không có bằng chứng cho thấy sự gian lận C/O của các DN xuất khẩu tôm đã kiểm tra như nghi ngờ trước đó của đối tác. Tuy nhiên, theo phản ánh các DN đang XK tôm vào thị trường Đức gần đây, cơ quan Hải quan Đức vẫn đang kiểm tra gắt gao vấn đề nguồn gốc tôm nhập khẩu từ Việt Nam. Các trường hợp có nghi ngờ về C/O đều bị phía Đức yêu cầu các nhà nhập khẩu phải đóng ký quỹ. Điều này dễ dẫn đến lan truyền biện pháp kiểm soát tương tự sang toàn EU, cũng như họ sẽ chuyển qua mua tôm Ấn Độ. Để kịp thời giải quyết vấn đề này cho ngành tôm Việt Nam nói chung và DN đang xuất khẩu tôm vào EU nói riêng, VASEP đề nghị Bộ Công Thương có văn bản đề nghị chính thức với Cơ quan Hải quan Đức dỡ bỏ biện pháp trên.

Nguyễn Phúc Duy
Thông tin liên quan:
Depo 25 bonus 25
Depo 25 Bonus 25